Nghi vấn Chùa_Tập_Phước

Dưới đây là ý kiến của GS. Nguyễn Lang về người xây dựng chùa Tập Phước. Lược ghi:

Vào thế kỷ 18, khi các chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi về phía Nam thì một số cao tăng cũng theo làn sóng di cư đến trác tích tại các miền đất mới. Trong thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, ở Ðông Phố (Gia Ðịnh), có chùa Thiên Trường lập năm 1755 (sau đổi tên là Kim Chương) và chùa Tập Phước... Có lẽ vị tổ khai sơn chùa này là một vị thiền sư đời 36 của dòng Lâm Tế. Theo các linh vị còn để thờ tại chùa thì đời thứ 37 là thiền sư Thánh Ðắc, đời thứ 38 là thiền sư Phước Thường, đời thứ 39 là thiền sư Ấn Thập và đời thứ 40 là thiền sư Hoàng Trí...Tra tìm vị thiền sư đời thứ 36 ấy, thì thấy danh thần nhà NguyễnTrịnh Hoài Đức (1765-1825), từng làm thơ tặng một vị thiền sư tên là Viên Quang tại chùa Tập Phước. Sách Ðại Nam Liệt Truyện Tiền Biên nói rằng thiền sư Viên Quang thuộc đời thứ 36 dòng Lâm Tế, nhưng lại nói rằng Viên Quang tu tại chùa Giác Lâm, cũng ở Gia Định. Có lẽ thiền sư Viên Quang này là người đã khai sơn chùa Tập Phước, sau đó đã giao lại chùa cho đệ tử trông nom rồi dời về chùa Giác Lâm ở cho được thanh tịnh hơn. Giả thuyết thứ hai: thiền sư Mật Hoằng[10] đã khai sơn chùa Tập Phước và đã mời sư huynh mình là Viên Quang đến cư trú với mình. Sau khi Mật Hoằng được triệu về kinh sung chức trú trì chùa Quốc Ân thì Viên Quang cũng về cư trú tại Giác Lâm. Hai thiền sư này đều là đệ tử của thiền sư Linh Nhạc thuộc pháp phái Nguyên Thiều, gốc ở chùa Thập Tháp...[11].

Tuy nhiên, theo hành trạng của thiền sư Tổ Tông-Viên Quang (viết tắt là Viên Quang) được ghi trong sách Thiền sư Việt Nam và Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, thì không thấy có chép việc "thiền sư Viên Quang lập ra chùa Tập Phước", mà chỉ có thông tin như sau: "Thiền sư Viên Quang (1758-1827, đời 36 phái thiền Lâm Tế) là đệ tử của Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạcchùa Từ Ân. Năm 1772, chùa Giác Lâm khuyết sư trụ trì, nên thầy cử sư sang đó. Đến khi Trịnh Hoài Đức được vua Gia Long cử làm Hiệp Tổng trấn Gia Định Thành. Trong khoảng thời gian 1816-1820, trong một buổi lễ ở chùa Tập Phước, tình cờ viên quan này gặp lại thiền sư Viên Quang, là bạn học cũ từ thuở thơ ấu ở quê ngoại. Sau đó, Trịnh Hoài Đức có làm một bài thơ ngũ ngôn luật bằng chữ Hán để nói lên cảm xúc của mình [12]". Vậy, có thể thiền sư Viên Quang chỉ là người đến dự lễ mà thôi.